Gian nan đường đến trường
Cháu nội của bà Thu là Nguyễn Thị Kim Chi,ườibàmiềnTâychởcháunộibệnhxươngthủytinhđihọcbằngrổnhựgearvn học sinh lớp 7A6 Trường THCS Vị Thanh (H.Vị Thủy, Hậu Giang). Vì mắc bệnh xương thủy tinh nên 12 tuổi Kim Chi chỉ nặng 13 kg, cao vỏn vẹn 80 cm. Tay, chân của em có nhiều đoạn biến dạng, cong vẹo.
Trong lớp, Kim Chi lọt thỏm giữa bạn bè đồng trang lứa nên được xếp ngồi bàn đầu để thuận tiện quan sát, lắng nghe thầy cô giảng bài.
Bà Thu cho biết, Kim Chi mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Tuổi thơ của em thiệt thòi vì không được lớn lên trong vòng tay cha mẹ, chỉ có ông bà nội cận kề chăm sóc.
"Mẹ bỏ đi khi Kim Chi còn rất nhỏ. Cha ở bên em được tới lớp 1 thì đi làm ăn xa rồi cưới vợ mới, mấy năm mới về thăm một lần. Mỗi lần về thăm chỉ vài tiếng ngắn ngủi rồi lại đi", bà Thu bùi ngùi.
Cô bé tí hon đến trường trong chiếc rổ nhựa của bà nội
Trước đây, gia đình đã xoay xở đủ cách, đưa Kim Chi chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Căn bệnh khiến em gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt.
Để đưa cháu đến trường, bà Thu gắn chiếc rổ nhựa ở yên sau xe đạp, đặt Kim Chi ngồi vào đó. Đường từ nhà đến trường hơn 2 km, qua nhiều cây cầu. Trên chiếc rổ nhựa, bà Thu còn treo lỉnh kỉnh nhiều túi rau quả nhà trồng để mang ra chợ bán. Những bậc thang lên xuống ở trường học là thách thức lớn đối với một người có tuổi lại mắc bệnh đau nhức xương khớp và tiểu đường như bà. Song, Kim Chi chính là người truyền động lực để bà vượt qua tất cả.
Nhà bà Thu không có đất đai sản xuất, thu nhập chính dựa vào 2 công đất thuê để trồng đồ rẫy, mùa nước nổi thì bỏ hoang. Để có thêm thu nhập, vợ chồng bà bơi xuồng đi hái rau dại, giăng lưới ngoài đồng. Thường ngày, từ 5 giờ sáng, bà Thu thức dậy nấu cháo trắng để Kim Chi ăn lót dạ. Khi đưa cháu vào lớp xong, bà đạp xe ra chợ bán hàng. Hôm nào có người mua sỉ thì đỡ vất vả, còn không thì bà phải chạy dạo đó đây để tìm người mua.
Cô bé "hạt tiêu" ước mơ làm cô giáo
Các bạn trong lớp đặt cho Kim Chi biệt danh thân thương là "cô bé hạt tiêu"'. Bởi dù có thể trạng nhỏ thó, ốm yếu nhưng nghị lực học tập của em rất đáng nể. Suốt 7 năm qua, Kim Chi đều được tặng giấy khen vì có thành tích học tập tốt. Dù nắng hay mưa, em vẫn kiên trì đến trường, không chịu nghỉ học ngày nào.
"Cháu thường xuyên bị đau nhức, nhưng khi đến lớp thì có thể ngồi xuyên suốt 5 tiết học mà không hề than thở. Ở nhà, Kim Chi ít bạn nên được đi học thì cháu rất vui và cố gắng để không phụ lòng ông bà. Chúng tôi sẽ ráng lo cho cháu, khi không còn đủ sức nữa mới thôi. Ông nội Kim Chi cũng rất ủng hộ nhưng chỉ hậu thuẫn phía sau vì ông không biết chạy xe", bà Thu nói.
Mặc dù nỗ lực vượt qua nỗi tự ti của bản thân, nhưng đôi lúc Kim Chi không tránh khỏi cảm giác lạc lõng khi thấy bạn bè được tự do vui đùa vào giờ ra chơi. Những lúc ấy, bà Thu trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc để em vượt qua nỗi buồn, yên tâm chinh phục ước mơ làm cô giáo. Kim Chi học thì bà Thu đứng lấp ló ngoài cửa sổ trông theo. Cảm thương trước tình cảm 2 bà cháu, nhà trường đã tạo điều kiện cho bà Thu lượm ve chai quanh trường mỗi ngày để bà có thể vừa trông coi cháu nội, vừa kiếm thêm được chút tiền.
Thầy Nguyễn Văn Sơn, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A6, Trường THCS Vị Thanh, cho biết tuy mắc bệnh xương thủy tinh và hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Kim Chi rất cố gắng học tập, năm học vừa rồi em xếp loại giỏi. Kim Chi rất ngoan, tích cực phát biểu xây dựng bài. Thời gian qua, nhà trường đã có nhiều hoạt động trao học bổng, quà hỗ trợ cho em. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho em vượt qua những môn học em gặp hạn chế về sức khỏe.